Thân thương hai tiếng “Quảng Bình”

0
23



(QBĐT) – “Nếu ai hỏi vì sao, quê hương chúng ta nhiều ngói mới, rằng có đắng cay nên chờ mới có ngọt bùi…”, đã 60 năm trôi qua, giai điệu thân thương đó đã theo chân biết bao thế hệ người dân Quảng Bình từ trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt đến nỗ lực dựng xây quê hương từ hoang tàn đổ nát sau chiến tranh, vượt qua khó khăn của quãng thời gian tái lập tỉnh đầy gian khó. Và nay, ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sĩ Hoàng Vân vẫn tiếp tục đồng hành cùng người dân “Hai giỏi” trên bước đường hướng tới những tầm cao mới. Với NSƯT Kim Oanh-người hát ca khúc này đầu tiên hay NSND Thu Hiền-người thành công tiếp nối, cảm xúc ban đầu được hát “Quảng Bình quê ta ơi” vẫn luôn vẹn nguyên và mãi đong đầy.
Bước sang tuổi 91, NSƯT Kim Oanh vẫn giữ sức khỏe tốt, nhưng trí nhớ của bà đã bước qua giới hạn, tuy vậy, theo chia sẻ của bà Phạm Thị Hương, con gái của nghệ sĩ, nhiều lúc bà vẫn nhớ như in kỷ niệm của những ngày hoạt động sôi nổi tại Đài Tiếng nói Việt Nam và kể lại không thiếu một chi tiết nào.
Sinh năm 1933, người con gái Hà Nội gốc, nhà ở phố Hàng Trống, từ năm 1954 đã quyết định gắn bó với Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng ca hát để trở thành một trong những ngôi sao sáng của đài thời bấy giờ. Lặng lẽ, khiêm nhường cống hiến, cuộc đời của bà là cả quá trình tự học, tự trau dồi và ham học hỏi để rồi nhiều ca khúc do bà thể hiện tạo dấu ấn riêng, sâu đậm trong lòng người nghe.

Vì lẽ đó, nhiều nhạc sĩ nổi tiếng đã lựa chọn bà là người hát đầu tiên các ca khúc của mình, như: “Quảng Bình quê ta ơi”, “Hai chị em”, “Những cô gái trên quê hương quan họ”, “Đường chúng ta đi”… Trong ký ức của bà Phạm Thị Hương còn nhớ mãi có lần bà từng chứng kiến nhạc sĩ Thái Cơ vì vội vàng đến nhà của NSƯT Kim Oanh để gửi gắm ca khúc của mình, nên bị tụt xuống hố giữa đường. Điều đó để cho thấy, tình cảm, sự tin tưởng của các nhạc sĩ khi gửi gắm “đứa con tinh thần” của mình cho NSƯT Kim Oanh. Và với “Quảng Bình quê ta ơi”, ca khúc được nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác năm 1966, NSƯT Kim Oanh cũng có những cơ duyên như thế.

Trong những lần hiếm hoi trí nhớ cho phép, NSƯT Kim Oanh chia sẻ, khi được nhạc sĩ Hoàng Vân đưa cho ca khúc này, bà rất e dè bởi ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca Quảng Bình và cho rằng có lẽ ca sĩ quê Quảng Bình sẽ hát hợp ca khúc hơn. Nhưng khi đó, nhạc sĩ Hoàng Vân cho biết, mặc dù đã đưa cho các ca sĩ quê Quảng Bình hát thử, nhưng: “Các chị ấy hát chưa ra”.
Sau đó, bà đã mạnh dạn hát ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” theo cách của một người Hà Nội chưa từng đến Quảng Bình, nhưng gửi gắm vào đó tình yêu với mảnh đất và con người nơi đây. Con gái NSƯT Kim Oanh, bà Phạm Thị Hương nhớ mãi: “Mẹ tôi khi hát ca khúc này chưa từng đặt chân đến Quảng Bình, nhưng với tình yêu của người con Hà Nội dành cho miền đất lửa, bà đã hát bằng cả trái tim, tâm hồn mình.

Ngay từ phòng thu, nhạc sĩ Hoàng Vân đã mừng rỡ thốt lên: Tuyệt vời, đúng rồi, ý của mình chính là như vậy!”. Còn nhớ, do ca khúc này hơi cao so với chất giọng của bà, có lần, trước khi thu âm, bà nói với nhạc công đánh thấp hơn để phù hợp với chất giọng của bà. Cứ ngỡ nhạc sĩ Hoàng Vân sẽ không biết điều này, vậy mà nghe xong ông quay sang đùa: “Bạn hát “ăn gian” nhé, xuống “tông” một chút đúng không?”.

Ngay sau đó, ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” được NSƯT Kim Oanh và tốp ca nam nữ thể hiện lần đầu trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ, được khán thính giả vô cùng yêu mến. Rất nhiều bức thư từ mọi miền Tổ quốc yêu mến ca khúc và người hát ca khúc đã gửi về Đài Tiếng nói Việt Nam, hun đúc thêm tình yêu của bà dành cho nghề nghiệp mình đã lựa chọn.
Bà Phạm Thị Hương kể, cách đây vài năm, khi điều trị tại một bệnh viện ở Thủ đô Hà Nội, cùng phòng điều trị với bà có một số cựu chiến binh quê Quảng Bình, khi biết bà là con gái của NSƯT Kim Oanh, họ đều rất vui mừng, chia sẻ: “Chị biết không, vì sự thôi thúc của ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi”, mà nhiều thanh niên chúng tôi ngày ấy đã cắt tay lấy máu viết đơn xin nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc…”. Ca khúc đã mang lại những giá trị lịch sử lớn lao và ghi dấu ấn một thời hào hùng của mảnh đất Quảng Bình gian khó và sức sống của ca khúc vẫn tồn tại cho đến ngày nay, trở thành một trong những ca khúc “tỉnh ca” đầu tiên của Việt Nam.
Với tiếng hát của mình, NSƯT Kim Oanh âm thầm, miệt mài cống hiến cho cuộc đời bằng tấm lòng, tình yêu của một nghệ sĩ chân chính. Một trong những ký ức khiến bà nhớ mãi chính là biểu diễn ở cầu Hiền Lương, bên dòng sông Bến Hải, đứng ở bên này cầu hát các ca khúc về quê hương, đất nước, hướng về những đồng bào ở bên kia chiến tuyến… Sau này, ngay cả khi đã nghỉ hưu, bà vẫn nhiệt tình cống hiến không mệt mỏi trong việc giảng dạy các thế hệ ca sĩ trẻ hay tham gia biểu diễn cho công chúng. Dù có nhiều thiệt thòi, vì nhiều lý do chưa được phong tặng NSND, nhưng với NSƯT Kim Oanh, cả cuộc đời của bà đã dành cho âm nhạc và công chúng của mình, không có gì để phải hối tiếc.
Kế cận sau giọng hát của NSƯT Kim Oanh, NSND Thu Hiền có cơ duyên trình bày ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” vào những năm 70 của thế kỷ trước. NSND Thu Hiền chia sẻ, trước khi thu âm ca khúc ở phòng thu, bà đã có cơ hội trình diễn ca khúc này ở các sân khấu miền Trung và nhận được sự yêu thích của đông đảo công chúng. Đã từng được đến Quảng Bình, yêu mến sự hồ hởi, nhiệt tình, chân thành của con người nơi đây, bà đưa hết tình cảm của mình vào ca khúc.
Sau này, nhạc sĩ Hoàng Vân cũng rất yêu thích và dành lời khen tặng NSND Thu Hiền. Kỷ niệm nhớ nhất của bà chính là có cơ hội biểu diễn ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe, sau khi hát xong, Đại tướng đã đích thân tặng hoa cho bà. Và trong nhiều lần đến thăm Đại tướng, bà tiếp tục thể hiện ca khúc này và ca khúc “Đưa em về Kiến Giang” cho Đại tướng nghe. Trong những lần đi biểu diễn ở nước ngoài, ca khúc là “hành trang” cùng bà đến với đồng bào xa Tổ quốc và mang lại những ký ức không thể nào quên.
Mai Nhân
Subscribe
Notify of

0 Góp ý
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments