(QBĐT) – Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh năm 1930, quê ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, có vợ là phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ánh Tuyết (quê Quảng Xá, xã Tân Ninh, Quảng Ninh, bà mất năm 2009). Hai người đến với nhau khi ông là giáo sinh âm nhạc, bà là sinh viên Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc). Với tình cảm chân thành, đám cưới được tổ chức trên đất Trung Quốc tại khu học xá giản dị, đơn sơ nhưng vui vẻ, ấm cúng. Hai ông bà có với nhau 2 người con gái.
Trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Tuyên, bà Ánh Tuyết đóng vai trò trợ giúp rất lớn. Bà tôn trọng việc sáng tác của ông, cố gắng làm mọi việc trong gia đình để chồng tập trung vào việc sáng tác. Bà là thính giả đầu tiên, đáng tin cậy của ông. Có những bản nhạc sau khi sáng tác xong, ông bỏ quên đâu đó, bà là người cẩn thận cất giữ.
Trong cuộc đời sáng tác của mình, nhạc sĩ Phạm Tuyên dành nhiều tình cảm sâu nặng cho mảnh đất Quảng Bình, quê hương người vợ tần tảo của ông. Tác phẩm âm nhạc của ông để lại cho đời thật đồ sộ, với hàng trăm ca khúc nổi tiếng có chủ đề ca ngợi đất nước, Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhiều sáng tác về thanh niên, thiếu niên nhi đồng… với các bài hát nổi tiếng, như: Như có Bác trong ngày đại thắng, Đảng đã cho ta một mùa xuân, Chiếc gậy Trường Sơn, Gửi nắng cho em, Tiến lên đoàn viên, Hành khúc Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Chiếc đèn ông sao… Trong đó, ông có nhiều bài hát hay, ấn tượng viết về Quảng Bình, được sáng tác sau những chuyến đi thực tế tại mảnh đất Quảng Bình nắng gió, như: Bám biển quê hương, Đêm trên Cha Lo…
Năm 1964, nhạc sĩ Phạm Tuyên về thăm quê vợ. Được sống giữa những âm thanh của gió, của nắng, của sóng, của biển cả, được nghe những làn điệu dân ca Bình Trị Thiên ngọt ngào sâu lắng, tâm hồn người nhạc sĩ nhanh chóng bắt nhịp hòa quyện với mảnh đất và con người Quảng Bình. Chứng kiến những ngư dân chất phác tay súng tay chèo, ngày đêm ra khơi không quản ngại gian khó, mặc kẻ thù rình rập, ông cùng họ cất lên lời ca Bám biển quê hương:
Gió lên đi cho thuyền ta ra khơi
Thênh thang trên biển rộng lòng ta
như biển trời
Buồm thẳng ra khơi quăng chài
tay chung kéo lưới
Vượt sóng trở về thuyền ta khoang
cá đầy…
Bám biển quê hương được xem là một trong những ca khúc đẹp, mang đậm chất dân ca Quảng Bình, đặc biệt là làn điệu hò khoan. Ca khúc rất thành công trong việc thể hiện nên bức tranh tươi sáng, chan chứa tự hào về mảnh đất và con người Quảng Bình trong một giai đoạn lịch sử hào hùng. Những giai điệu hào sảng ấy thể hiện tình cảm chân thành của người nhạc sĩ luôn mang trong mình trái tim trong sáng, tâm hồn yêu đời và khát khao cống hiến cho đất nước.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc, đất lửa Quảng Bình tự hào là quê hương “Hai giỏi”, tuyến đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của miền Nam, nơi có những dân quân tay súng tay chèo, có Mẹ Suốt anh hùng ngày đêm chèo đò đưa bộ đội qua sông Nhật Lệ dưới làn mưa bom bão đạn… Trải qua gần 60 năm, Bám biển quê hương vẫn giữ được sức sống bền vững đi cùng năm tháng, góp phần gìn giữ, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước và ý chí bảo vệ từng tấc đất, vùng biển của Tổ quốc.
Năm 1971, nhạc sĩ Phạm Tuyên đi thực tế tại Đồn Biên phòng Cha Lo, chứng kiến những người lính trẻ kiên cường, anh dũng chiến đấu dưới bom đạn quân thù, và sau lưng họ, có tình yêu vô bờ của những người ở hậu phương, ông đã viết bài Đêm trên Cha Lo. Những cảm xúc mãnh liệt của nhạc sĩ đã hóa thành bản nhạc tuyệt vời:
Đêm nay ta về bên nhau nghe tin
thắng trận miền Nam
Biên giới sáng trong niềm vui mới,
vang vọng tiếng đoàn xe qua
Hỡi gió núi hãy hát cùng ta niềm hân
hoan gửi vào tiếng ca
Suối ngàn hãy ngân theo điệu khèn,
nắng quê hương bừng lên…
Những câu hát hào hùng, hừng hực khí thế trong ca khúc Đêm trên Cha Lo đã thay lời nói lên những chiến công, hy sinh thầm lặng của Bộ đội Biên phòng trong chiến đấu giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Âm hưởng trầm hùng, phảng phất chất dân ca miền Tây Quảng Bình đã nhanh chóng được các chiến sĩ đón nhận nồng nhiệt.
Bài hát sau khi phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đã nhanh chóng đi vào đời sống và ngày nay đã trở thành một bài ca truyền thống của lực lượng Bộ đội Biên phòng cũng như của nhân dân huyện Minh Hóa, nơi có Đồn Biên phòng Cha Lo. Cha Lo của Quảng Bình đã thành Cha Lo trong tim cả nước, hóa thành hàng trăm nghìn đồn lũy kiên gan trên hàng nghìn cây số đường biên, hải lý đường biên của Tổ quốc.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã cùng vợ nhiều lần về thăm Quảng Bình. Ngoài hai ca khúc nổi tiếng Bám biển quê hương và Đêm trên Cha Lo, ông còn có những bài hát khác với tình cảm sâu sắc dành cho dải đất hẹp nhất miền Trung này, như: Quảng Bình chiến thắng (1965). Trong hồi ký của mình, vợ ông thổ lộ: “Nếu tôi được coi là điểm tựa của nhạc sĩ Phạm Tuyên thì chính anh ấy cũng là điểm tựa của tôi. Chúng tôi dựa vào nhau để sống và làm việc”. Cuộc hôn nhân đẹp của vợ chồng nhạc sĩ được dệt nên từ tình yêu tha thiết dành cho nhau và tình yêu sâu nặng dành cho quê hương, đất nước.
Những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên như cuốn biên niên sử của cách mạng. Cuộc đời ông gắn liền với những nhịp điệu thăng trầm của dân tộc. Ông là nhạc sĩ có tài, có tầm, được nhân dân yêu quý.
Lý Hoài Xuân
Subscribe
Login
0 Góp ý
Oldest