Xuất hiện ổ rầy gây cháy lúa cục bộ tại huyện Lệ Thủy

0
22



(QBĐT) – Hiện nay, lúa vụ đông-xuân đang ở giai đoạn ôm đòng-trổ. Tuy nhiên, qua kết quả tổng hợp tình hình phát sinh gây hại lúa của rầy nâu, rầy lưng trắng (sau đây gọi là rầy) tại các địa phương, toàn tỉnh đã có 129ha lúa bị nhiễm rầy.

Cán bộ nông nghiệp huyện Lệ Thủy kiểm tra tình hình sâu bệnh gây hại lúa đông- xuân tại xã Phú Thủy.
Cụ thể: Lệ Thủy 53ha, Quảng Ninh 45ha, Quảng Trạch 20ha, Bố Trạch 10ha, Tuyên Hóa 1ha. Mật độ phổ biến từ 100-200 con/m2, nơi cao 1.000-2.000 con/m2, cục bộ 4.000-6.000 con/m2. Đặc biệt tại thôn Phú Hòa, xã Phú Thủy (Lệ Thủy) đã xuất hiện ổ rầy gây cháy lúa cục bộ với diện tích khoảng 15ha.
Theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, dự báo trong thời gian tới, rầy sẽ phát sinh gây hại với mật độ cao trên diện rộng. Rầy gây hại vào giai đoạn này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng lúa đông-xuân.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hồ Khắc Minh cho biết: Để tổ chức thực hiện phòng, trừ có hiệu quả, không để rầy bùng phát gây hại lúa, chi cục đề nghị các địa phương thực hiện các nội dung, như: Bố trí cán bộ kỹ thuật tăng cường bám sát cơ sở, kiểm tra đồng ruộng nhằm nắm bắt chặt chẽ tình hình rầy hại lúa để chỉ đạo, hướng dẫn nông dân triển khai phòng, trừ kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Đặc biệt, chú ý kiểm tra kỹ các vùng ruộng lúa thường xuyên bị rầy phát sinh gây hại các vụ trước.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, cảnh báo và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng cho nông dân biết để chủ động thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm rầy gây hại và phòng trừ kịp thời khi mật độ rầy cao trên 1.500 con/m2; sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa các hoạt chất đặc trị rầy như: Pymetrozine, Thiamethoxam, Imidacloprid… để phòng trừ.
Ngọc Hải
Subscribe
Notify of

0 Góp ý
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments