(QBĐT) – Trong điều kiện sản xuất, kinh doanh (SXKD) gặp nhiều khó khăn, nhưng những năm gần đây, Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại (Công ty Long Đại) vẫn có sự tăng trưởng, các ngành sản xuất chủ đạo vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu. Đặc biệt, công ty luôn bảo đảm đầy đủ chế độ chính sách, việc làm cho người lao động (NLĐ) với thu nhập không ngừng tăng lên.
Vượt lên khó khăn
Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực lâm nghiệp của tỉnh, hiện, Công ty Long Đại có 8 đơn vị trực thuộc, 2 đơn vị công ty góp cổ phần. Công ty hiện có 430 cán bộ, công nhân lao động cùng gần 500 hộ dân nhận khoán khai thác nhựa thông và mủ cao su. Tổng diện tích rừng và đất rừng do công ty quản lý là 77.624ha. Trong đó, rừng tự nhiên là gần 58.713ha; rừng trồng 16.159,7ha; đất trống và đất khác trong lâm nghiệp hơn 2.751ha.
Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 và sau đó là suy thoái kinh tế trên phạm vi toàn cầu, giá nhân công, vật tư, vật liệu, xăng dầu, lãi suất ngân hàng tăng cao đã khiến cho các doanh nghiệp đứng trước những khó khăn chồng chất, khó vượt qua. Công ty Long Đại cũng không nằm ngoài thực trạng này và còn kẹt vào “thế khó” khi ngành nghề chế biến gỗ bị đình trệ, không có thị trường xuất khẩu do cuộc xung đột vũ trang kéo dài giữa Nga và Ukraine.
Đứng trước những thách thức đặt ra, công ty đã từng bước tháo gỡ khó khăn, xác định rõ chiến lược SXKD theo hướng phát triển bền vững. Năm 2021, công ty đạt doanh thu trên 114 tỷ đồng, thu nhập bình quân của NLĐ đạt 5,5 triệu đồng/tháng. Năm 2022, công ty đạt tổng doanh thu gần 270 tỷ đồng, đạt 236% kế hoạch đề ra; thu nhập bình quân của NLĐ đạt 5,7 triệu đồng/tháng. Công ty cũng thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho NLĐ và tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, an sinh xã hội trên địa bàn đứng chân.
Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty Lương Sỹ Trình cho biết: Trong điều kiện SXKD tiếp tục gặp khó khăn của năm 2023, nhưng với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân viên, NLĐ, Công ty Long Đại vẫn hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Sản lượng khai thác nhựa thông đạt hơn 761 tấn, mủ cao su đạt hơn 451 tấn, song mây đạt hơn 65 tấn, khai thác được hơn 659ha gỗ rừng trồng. Ngoài ra, việc khai thác các diện tích rừng thông thanh lý để phục vụ thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, khai thác cây cao su để chuyển đổi cây trồng được công ty triển khai đạt 100% kế hoạch đề ra.
Công ty cũng trồng mới được hơn 798ha rừng, tiếp tục chăm sóc cho 1.397ha rừng nguyên liệu, 682ha cao su. Sản xuất và cung ứng ra thị trường hơn 4,5 triệu cây giống các loại. Thu mua gỗ rừng trồng đạt 138.000 tấn, chế biến nhựa thông Colophan 559 tấn, tinh dầu thông 113 tấn. Công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng được tăng cường. Đời sống, việc làm, thu nhập của cán bộ, công nhân viên, NLĐ được quan tâm, cải thiện. Năm 2023, tiền lương bình quân của NLĐ đạt 7 triệu đồng/tháng. Công ty cũng đã cấp phép khai thác 1.567ha rừng trồng cho hộ gia đình, góp phần nâng cao thu nhập để NLĐ và các hộ dân yên tâm gắn bó với rừng.
Quản lý, bảo vệ rừng bền vững
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong năm 2023, Công ty Long Đại đã thực hiện hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với 25 hộ đồng bào Bru-Vân Kiều ở bản Dốc Mây, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) với tổng kinh phí hơn 572 triệu đồng, bình quân mỗi hộ đồng bào nhận được hơn 20 triệu đồng. Dự án đã tạo việc làm, thu nhập cho đồng bào Bru-Vân Kiều, đồng thời góp phần quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng của công ty.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao giá trị lâm nghiệp, quản lý chặt chẽ rừng trồng cũng như bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, trong năm 2023, công ty đã tập trung hoàn thành xây dựng và phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững cho hơn 16.205ha rừng thuộc công ty quản lý; đồng thời đề ra kế hoạch phấn đấu trong 6 tháng năm 2024 này, hơn 4.600ha rừng trồng tại Chi nhánh Lâm trường Kiến Giang sẽ được cấp chứng chỉ FSC, làm tiền đề cho việc hướng tới cấp chứng chỉ cho khoảng 16.000ha rừng vào các năm tiếp theo.
Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Kiến Giang Nguyễn Ngọc Vương cho biết: Là đơn vị trồng và bảo vệ, khai thác rừng sản xuất, chúng tôi rất phấn khởi khi hơn 4.600ha rừng của lâm trường đã được thực hiện các thủ tục cấp chứng chỉ FSC. Rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC không chỉ tăng năng suất, giá trị kinh tế rừng bởi giá bán nguyên liệu cao hơn mà còn góp phần tích cực trong bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Mặt khác, rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC có chu kỳ khai thác dài hơn, quá trình kinh doanh rừng trồng sẽ tạo ra nguồn gỗ lớn phục vụ nhu cầu của xã hội và khi gặp rủi ro, thiệt hại do thiên tai cũng sẽ được dự án hỗ trợ một phần.
Đáng chú ý, vào cuối năm 2023, Công ty Long Đại đã được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Bình phân bổ hơn 9,8 tỷ đồng từ nguồn thu tạm ứng thỏa thuận chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung bộ. Đây sẽ là một nguồn lực để công ty có thêm điều kiện đầu tư cho công tác quản lý, phát triển và bảo vệ tốt diện tích rừng trong những năm tới.
Khai thác tiềm năng, thế mạnh
Trong năm 2024-năm “nước rút” thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Công ty Long Đại đề ra chỉ tiêu khai thác 760 tấn nhựa thông, 515 tấn mủ cao su; khai thác 863ha gỗ rừng trồng nguyên liệu, chế biến nhựa thông 559 tấn; trồng rừng nguyên liệu 1.056ha, trong đó có 331ha rừng gỗ lớn; sản xuất, cung ứng 4,5 triệu cây giống; quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng trồng, rừng cao su và 77.835… phấn đấu đạt tổng doanh thu 170 tỷ đồng.
Để bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu đề ra, Công ty Long Đại tiếp tục tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, quản lý sử dụng hiệu quả đất lâm nghiệp được giao, cho thuê. Phát huy lợi thế, tiềm năng môi trường rừng, đất đai để nâng cao hiệu quả SXKD. Cụ thể hóa các chiến lược SXKD, phương án quản lý sử dụng đất thành các dự án, kế hoạch sản xuất để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, tạo tiền đề cho sự phát triển trong thời gian tới.
“Chúng tôi tiếp tục phát triển diện tích rừng trồng, nhất là trồng rừng gỗ lớn, gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Rà soát diện tích để đăng ký tham gia trồng rừng thay thế. Đồng thời, tranh thủ nguồn chi trả tín chỉ carbon để xây dựng phương án quản lý rừng bền vững đối với diện tích rừng tự nhiên làm cơ sở cho việc xây dựng đề án cho thuê môi trường rừng làm du lịch sinh thái”, Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty Lương Sỹ Trình cho biết.