(QBĐT) – Quảng Bình hiện có trên 40.000 người khuyết tật (NKT), chiếm 5% tổng dân số, trong đó có 24.733 NKT đang hưởng trợ cấp xã hội. Kết quả rà soát của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho thấy phần lớn NKT sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đời sống vật chất, tinh thần gặp nhiều khó khăn nên rất cần sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội, đặc biệt là về vấn đề trợ giúp pháp lý và truyền thông pháp luật để nắm bắt, bảo vệ các quyền, những ưu tiên dành riêng cho họ… Phóng viên (P.V) Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với đại diện lãnh đạo các ngành, đơn vị liên quan về vấn đề này.
– P.V: Việc quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ pháp lý cho NKT, xóa bỏ mọi rào cản, tạo cơ hội để họ hòa nhập cộng đồng là rất cần thiết. Với vai trò, nhiệm vụ của đơn vị, Sở Tư pháp đã thực hiện như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?
– Ông Nguyễn Bá Thành, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước (Sở Tư pháp): Thời gian qua, việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) cho NKT luôn được quan tâm thực hiện. Hoạt động TGPL cho NKT được thực hiện thông qua các hình thức, như: Cử người thực hiện TGPL để thực hiện tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho NKT trong các vụ việc, vụ án… Các hoạt động này được thực hiện bảo đảm có chất lượng, hiệu quả.
Từ năm 2020 đến quý I/2023, Trung tâm TGPL Nhà nước đã phối hợp với Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi (TMC) tỉnh, Hội Vì sự phát triển của NKT tỉnh, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, Hội Bảo trợ NKT và TMC các huyện, thị xã, thành phố và các câu lạc bộ NKT cấp xã đã tổ chức các hội nghị chuyên đề truyền thông về TGPL cho 1.461 NKT, NKT có khó khăn về tài chính nhằm nâng cao nhận thức cho NKT về pháp luật TGPL, về quyền được TGPL của NKT; cử các trợ giúp viên pháp lý của trung tâm thực hiện 63 vụ việc TGPL cụ thể cho 63 NKT, NKT có khó khăn về tài chính; in ấn và cấp phát 24.000 tờ rơi, tờ gấp để truyền thông pháp luật về TGPL cho NKT…
Ngoài ra, Trung tâm TGPL Nhà nước còn tổ chức 104 hội nghị truyền thông về TGPL tại các thôn, bản, các xã trên địa bàn tỉnh, trong đó có nhiều NKT và NKT có khó khăn về tài chính. Việc triển khai đồng bộ các hoạt động TGPL trong thời gian qua góp phần thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ, giúp đỡ pháp lý cho NKT, bảo đảm quyền bình đẳng của NKT trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật, xóa bỏ mọi rào cản, tạo cơ hội và giúp NKT vươn lên hòa nhập cộng đồng.
– P.V: Vậy thưa ông, trong thời gian tới để quyền lợi pháp lý của NKT được bảo đảm tốt, sở đã có kế hoạch và giải pháp gì?
– Ông Nguyễn Bá Thành: Xác định công tác hỗ trợ, giúp đỡ pháp lý cho những nhóm người yếu thế trong xã hội, trong đó có NKT là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp.
Cụ thể, như: Quán triệt và triển khai thực hiện Luật NKT và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật NKT và các văn bản liên quan; Trung tâm TGPL Nhà nước trực thuộc sở và các tổ chức, đơn vị thuộc sở có liên quan tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức pháp luật về TGPL cho NKT bằng nhiều hình thức; phối hợp với các tổ chức của NKT và tổ chức vì NKT trên địa bàn tỉnh lồng ghép thực hiện tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý ngay tại cơ sở cho NKT có nhu cầu, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NKT, giảm thiểu khiếu nại, khiếu kiện…
– P.V: Là đơn vị quản lý và giải quyết chế độ chính sách cho NKT, thời gian qua Sở LĐ-TB-XH đã thực hiện như thế nào, thưa ông?
– Ông Hồ Tân Cảnh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH: Với chức trách, nhiệm vụ được giao, Sở LĐ-TB-XH đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với NKT và tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NKT vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Các chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng quy định, bảo đảm mọi quyền lợi cho đối tượng. Chất lượng các dịch vụ trợ giúp xã hội, công tác bảo đảm cho NKT nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh ngày càng thực hiện tốt hơn, đầy đủ hơn, chuyên nghiệp hơn.
Tỉnh ta đã triển khai thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe NKT, huy động nguồn lực từ các tổ chức trong và ngoài nước tài trợ để củng cố, đầu tư và phát triển cơ sở phục hồi chức năng, xóa nhà tạm, hỗ trợ học bổng cho trẻ em khuyết tật vượt khó, cấp phát xe lăn, xe lắc, dụng cụ chỉnh hình.
Các hoạt động biểu dương, khích lệ NKT đạt thành tích cao trong học tập, lao động và tạo việc làm đối với NKT luôn được quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh hiện có gần 2.000 học sinh khuyết tật đang theo học tại các cấp học từ mầm non đến THPT và có 3 trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật với chức năng giáo dục, nuôi dưỡng, hỗ trợ phục hồi chức năng cho học sinh khuyết tật. Các trung tâm, cơ sở dạy nghề, các tổ chức hội đã tổ chức dạy nghề và tiêu thụ các sản phẩm cho NKT nhằm tạo việc làm và giúp hội viên có thu nhập.
Ngoài các chính sách chung, chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND về quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Bình theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó, ngoài các chế độ trợ cấp theo quy định, tỉnh Quảng Bình hỗ trợ cấp bù tiền ăn, tiền bảo hiểm y tế cho đối tượng được chăm sóc và nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội và Làng trẻ em SOS Đồng Hới…
– P.V: Là tổ chức có vai trò bảo vệ quyền lợi cho NKT và TMC, Hội Bảo trợ NKT và TMC đã thực hiện như thế nào để chăm lo cho các đối tượng yếu thế này, thưa ông?
– Ông Đinh Công Hải, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và TMC tỉnh: Trong năm 2022, hội đã làm rất tốt vấn đề an sinh xã hội dành cho NKT và TMC trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, hội đã trao tặng xe lăn, xe lắc cho những NKT về hệ vận động; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với hội tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho 200 NKT của TP. Đồng Hới. Hội đã phối hợp với các doanh nghiệp và nhà hảo tâm tặng quà cho hàng trăm lượt NKT và TMC trên 8 huyện, thị xã, thành phố.
Hội phối hợp với Trung tâm TGPL Nhà nước (Sở Tư pháp) tổ chức các lớp tuyên truyền trợ giúp pháp lý cho NKT trên toàn tỉnh với 800 lượt người được phổ biến kiến thức pháp luật. Hội còn phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân-phụ nữ tổ chức học sơ cấp chăn nuôi gia súc, gia cầm cho phụ nữ khuyết tật để làm sinh kế phát triển kinh tế lâu dài.
Thời gian tới, hội tiếp tục khảo sát hỗ trợ sinh kế cho nông dân khuyết tật, đồng thời khởi động khảo sát dự án bò của Trung ương hội; phối hợp với các doanh nghiệp tiếp tục chương trình tặng xe đạp và học bổng trong năm học mới 2023-2024.
– P.V: Xin trân trọng cảm ơn!
Hiền Phương (thực hiện)
Subscribe
Login
0 Góp ý
Oldest