(NLĐO) – Ông Ngô Bá Dục chia sẻ khi còn đi học, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người thông minh, cẩn thận, chữ viết rất đẹp. Khi đã làm Bí thư Hà Nội, ông vẫn bắt xe ôm đến họp lớp
Chiều tối 19-7, tại làng Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều người bàng hoàng, đau buồn và tiếc thương nghe tin ông từ trần.
Ngồi lật từng bức ảnh kỷ niệm thời thơ ấu, học chung với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chia sẻ với Báo Người Lao Động, ông Ngô Bá Dục (82 tuổi, trú tại làng Lại Đà) cho biết ông học cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ cấp 1, cấp 2 và cấp 3, nên bạn bè thân, rất hợp tính nhau. Khi còn đi học, Tổng Bí thư là người thông minh, cẩn thận, chữ viết rất đẹp.
“Học cấp 3, do học xa nhà, hai chúng tôi cùng một người bạn nữa ở trọ cùng nhau trong nhà dân, cùng nhau nấu cơm ăn, sống với nhau rất chân thành, tình cảm. Hồi đấy, chúng tôi đi học rất gian nan vất vả, gia đình chỉ cho 15 đấu gạo còn tiền tiêu, phải tự lo. Chúng tôi từng bơi ra bãi sông Hồng để vớt củi phơi khô lên đun. Học chiều xong lại vào Khu công nghiệp Đức Giang (huyện Gia Lâm trước đây, quận Long Biên ngày nay của TP Hà Nội) để dạy bổ túc cho công nhân kiếm tiền để lấy tiền mua sách vở”- ông Dục chia sẻ.
Theo ông Dục, lúc ấy vất vả là thế song Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng ông vẫn chăm chỉ, kiên trì, được các thầy cô nhớ đến. Thời điểm đó, thành tích học tập của Tổng Bí thư rất nổi bật. Học hết cấp 3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thi đỗ vào Trường Đại học Tổng hợp và còn ông đỗ Đại học Sư phạm.
Theo ông Ngô Bá Dục, khi công tác, giữ những vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp, thân tình với các bạn học. Nhiều sự kiện họp lớp, chia tay thầy, cô bạn bè, Tổng Bí thư đều cố gắng thu xếp thời gian để tham dự.
“Anh Trọng rất tình cảm, bình dị, gần gũi. Có lần họp lớp, Anh ấy khi đó đã là Bí thư Thành ủy Hà Nội nhưng vẫn bắt xe ôm ra nhà nổi ở Hồ Tây để gặp các bạn. Lúc đó, Giám đốc nhà nổi ở Hồ Tây thấy cũng hoảng lên bảo có chuyện gì nhưng anh Trọng bảo chỉ họp lớp bình thường chứ không có chuyện gì”- ông Dục kể lại và cho biết tại đây Tổng Bí thư đi hỏi thăm, động viên từng người bạn học.
Ông Ngô Bá Dục cho biết năm 2000, mẹ ông mất ở làng Lại Đà, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng về thăm viếng, chia buồn cùng gia đình. Tổng Bí thư rất ân cần, chu đáo hỏi thăm, anh em, bạn bè có việc đều giúp đỡ rất nhiệt tình.
“Nghe tin Anh mất, tôi rất đau buồn, tiếc thương. Bạn già gần hết rồi, ba anh em từng ở chung nay mất đi một, còn một ông cũng đang nằm viện. Khi nghe tin Anh mất, tôi rất đau buồn, tiếc thương, còn nhiều việc muốn làm nhưng chưa làm được”- ông Dục lặng người nói.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, Đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ có Thông cáo đặc biệt về tổ chức Lễ Quốc tang đối với đồng chí Nguyễn Phú Trọng. -> biên tập