Người thanh niên làm giàu từ vùng biển bãi ngang

0
199



(QBĐT) – Bằng ý chí và nghị lực của mình, anh Trần Văn Vương (SN 1984), thôn Liêm Bắc, xã Ngư Thủy Nam (Lệ Thủy) đã tận dụng những lợi thế từ vùng biển địa phương để vươn lên làm giàu chính đáng.

Anh Trần Văn Vương sinh ra trong một gia đình ngư dân nghèo tại thôn Liêm Bắc, xã Ngư Thủy Nam. Đây là vùng biển bãi ngang, thời tiết rất khắc nghiệt. Cuộc sống của người dân trước đây chủ yếu nhờ vào đánh bắt thủy, hải sản gần bờ.

Năm 2002, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh tạm gác giấc mơ vào đại học để ở nhà lập nghiệp, hỗ trợ cha mẹ nuôi đàn em nhỏ ăn học. Anh Vương kể: “Thời điểm ấy, tôi cũng muốn đi học tiếp lắm nhưng nhà nghèo nên đành chịu. Để vơi đi nỗi buồn và kiếm vốn khởi nghiệp, tôi theo ba đi đánh bắt thủy, hải sản gần bờ”.

Năm 2008, anh Vương anh lập gia đình. Đời sống của hai vợ chồng gặp nhiều khó khăn, công việc đánh bắt thủy hải sản bấp bênh nên không đủ tiền để trang trải cho cuộc sống. Cái nghèo cứ bám riết khiến vợ chồng anh phải nhiều đêm thức trắng trăn trở, tìm hướng đi.

Cơ sở lò hấp cá khô của anh Trần Văn Vương có quy mô 5 ha với tổng vốn đầu tư trên 400 triệu đồng.

Sau đó, anh tham gia lớp tập huấn nuôi cá lóc trên cát do Đoàn xã Ngư Thủy Nam tổ chức. “Tôi nghĩ nuôi cá lóc phù hợp với điều kiện đất cát, lại tận dụng được nguồn thức ăn, khí hậu của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao”, anh Vương chia sẻ.

Nghĩ là làm, anh đã dốc toàn bộ số vốn dành dụm được cùng nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội để xây dựng trang trại nuôi cá lóc trên cát. Năm đầu tiên, anh xây hồ nuôi cá diện tích khoảng 200m2 và mua cá giống về nuôi.

Sau gần 5 tháng, cá trong ao đã lớn rất nhanh, qua đó, giúp anh thu lãi ròng 40 triệu đồng. Nhận thấy việc nuôi cá lóc đem lại hiệu quả kinh tế cao, sang năm thứ 2, anh đã mạnh dạn mở rộng diện tích ao nuôi khoảng 0,7 ha, nhờ đó, mỗi năm, thu nhập từ nuôi cá lóc đạt trên 100 triệu đồng.

Năm 2010, khi thấy ngư dân đi biển được mùa cá nục nhưng khó bán do thương lái ép giá, để giải quyết vấn đề này, anh đã tham quan học hỏi mô hình hấp cá khô và thuê 2ha đất, vay thêm vốn của Ngân hàng chính sách xã hội để xây dựng lò hấp cá khô. Mô hình gồm có một nhà xưởng và 3 sân phơi với tổng kinh phí đầu tư xây dựng trên 200 triệu đồng.

Anh Vương cho biết: “Ban đầu, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm cá lóc và cá khô. Nhưng vì mình luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm bảo đảm chất lượng, có uy tín nên khách hàng tự đến mua”.

Hiện quy mô cơ sở lò hấp cá khô của anh được mở rộng lên 5 ha với tổng vốn đầu tư trên 400 triệu đồng. Bình quân mỗi ngày, cơ sở thu mua 5 tấn cá nục tươi để hấp và phơi thành cá khô. Từ đó, cơ sở giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương và 50 lao động thời vụ với mức lương 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, trang trại nuôi cá lóc trên cát và cơ sở hấp cá khô cho gia đình anh thu lãi ròng trên 300 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Bí thư Huyện đoàn Lệ Thủy cho biết: “Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Vương còn là một đoàn viên gương mẫu, luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động tình nguyện, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, hưởng ứng và thực hiện tốt các phong trào, hoạt động do tổ chức Đoàn phát động, nhất là phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân lập nghiệp”, “Thanh niên làm kinh tế giỏi”. Ngoài ra, anh còn hướng dẫn cho nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện đến tham quan, học tập mô hình kinh tế của mình”.

Với những thành tích đạt được, năm 2016, anh Vương vinh dự được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng “Lương Định Của” vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, có đóng góp tích cực vào hoạt động Đoàn, Hội ở địa phương và đơn vị.

Việt Hà

 

 

Subscribe
Notify of

0 Góp ý
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments