TRẦN CAO ANH
Nhớ vào những ngày giáp Tết, tháng Chạp, khi đất trời bắt đầu đã chuyển mình vào Xuân, ngoài trời những cơn mưa lất phất, gió bấc thổi se se lạnh, mọi người và cả đất trời có cảm giác như không khí “mùa Xuân đã về…”. Cả nhà tôi lại rục rịch chuẩn bị đón Tết, dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, đồ đạc, làm bánh, mứt, dưa hành… và năm nào cũng vậy cứ độ vào đầu tháng Chạp thì mọi người trong nhà lại tất bật chuẩn bị cho công việc tráng bánh tráng hay còn gọi là (bánh đa) để ăn Tết.
Những ngày mưa rồi cũng sớm qua đi, nhường chỗ cho tiết trời những ngày nắng ấm, thời tiết lúc đó rất lý tưởng để tráng bánh Tết. Vài hôm trước ngày chuẩn bị tráng bánh, cả nhà tôi lại háo hức mỗi người một việc cho công tác chuẩn bị. Mẹ tôi thì lo việc chọn gạo, rang mè; cha tôi thì lo sửa sang, lau chùi các mênh (vỉ phơi bánh), chặt tre làm sào, đặt mênh, còn chị em tôi thì cứ lúi húi phụ mẹ lột hành, lột tỏi, giã tiêu, nướng bánh để sáng mai ăn bánh đập… Đêm hôm đó cả nhà tôi đi vào giấc ngủ với bao háo hức, trông chờ, mong sao cho trời thật mau sáng.
Gà gáy canh ba, mẹ tôi đã lục đục trở dậy trong cái lạnh đông sớm mai tê tái da. Cha tôi cũng dậy sớm theo để phụ mẹ xay bột, còn chị em tôi tuy đã thức giấc nhưng vẫn còn vùi đầu trong những chiếc chăn ấm chưa chịu bước ra khỏi giường. Trong lúc cha tôi xay bột bằng chiếc cối xay tay bằng đá thì mẹ lo sửa soạn củi lửa để nhóm lò. Khi mọi công việc đã cơ bản thì mẹ tôi mới gọi chị em tôi dậy. Lúc đó tôi mắt nhắm, mắt mở, lồm cồm bò ra, bỏ mền bước xuống… nhìn ngoài trời sương mù dày đặc, tôi cảm nhận cái lạnh run thấm vào từng thớ thịt nhưng nghĩ đến bếp lửa bập bùng cháy, nồi nước sôi nghi ngút khói và những chiếc bánh ướt nóng hổi, thơm lừng lúc đó lòng mìnhthì cảm thấy phấn chấn, hứng khởi ngay.
Không có gì sung sướng, và ấm áp hơn khi ngồi bên bếp lửa bập bùng cháy rực ánh lửa hồng, mọi cái lạnh lẽo đều đã tan biến dần đi, bên nồi nước đang sôi ùng ục. Mẹ chuẩn bị công việc tráng bánh với những dụng cụ cần thiết, pha bột, nếm bột, cho mè, hành tỏi đã giã nhuyễn cho vào bột… thì cCha tôi thì bắc ghế, kê mênh, còn chị tôi thì phụ mẹ châm nước vào nồi và chuẩn bị phơi bánh, còn tôi thì dành phần ấm áp nhất với công việc lăn xăn với củi lửa… Chờ đến khi trời vừa hửng sáng thì cũng là lúc mà những mẻ bánh đầu tiên “ra lò”. Mẹ dùng chiếc vá múc bột làm bằng gáo dừa, rồi múc từng vá nước gạo trắng tinh, đặc quánh đổ lên quay đều trên mặt vải đã căng trên nồi nước đang sôi ùn ục, rồi úp vung lại… qua vài giây thì bánh chín, khi dở vung ra, nhẹ nhàng dùng chiếc que bằng cật tre vót mỏng để gỡ bánh ra. Từng ngụm hơi nước trong nồi bốc lên hòa quyện với mùi bánh ướt quen thuộc không thể nào quên được. Như thường lệ, những mẻ bánh ướt đầu tiên bao giờ cũng để giành cho cả nhà ăn sáng. Những chiếc bánh ướt thơm lừng mùi gạo mới còn nóng hổi chấm với chén nước mắm ớt cay cay, ăn đến đâu nghe nóng trong người đến đấy. Thú thật, đấy là giây phút mà chị em tôi thường chờ đợi nhất mỗi khi nhà tôi tráng bánh Tết. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi cái cảm giác “nóng đến ngập răng” khi mà chúng tôi hấp tấp ăn những chiếc bánh ướt mới ra lò vẫn còn nóng hổi. Ăn bánh ướt đã chán chê thì sẵn bánh tráng đã nướng sẵn tối hôm trước, chị tôi chập vài cặp để ăn đổi khẩu vị… và quan trọng hơn là ăn cho thật no để còn cầm cự cho đến khi tráng hết nồi nước bột, cả nhà mới được ăn trưa.
Mẹ tôi một tay pha bột, tay múc, tráng bánh nhanh nhẹn nhưng khéo tay. Hết tráng bánh mỏng rồi chuyển sang tráng bánh mè dày, bánh gia vị, bánh tráng cuốn… Chị tôi thì khéo léo gỡ từng chiếc bánh mỏng tan trãi đều trên những mênh tre sao cho lành lặn. Còn cha tôi thì phụ trách khâu “chạy mênh”, cứ mênh nào chị tôi phơi trãi kín thì cha mang đặt lên sào tre giữa khoảng bãi đất trống. Còn tôi thì lo múc nước, đun củi vào lò… Khi ông mặt trời đã lên cao, nắng trãi đều, chan hòa qua từng mênh bánh đã khô phồng. Hai chị em tôi nhẹ nhàng, nâng niu lần gỡ từng chiếc bánh sao cho không vỡ, không nứt. Cứ như thế cho đến khi còn một ít bột trong thau thì mẹ ngừng việc tráng bánh và chuyển sang tráng mì lá để chuẩn bị cho bữa ăn trưa vì lúc này cả nhà đều bận rộn không nấu cơm được. Mì đã tráng xong, thoa một ít dầu phụng đã khử rồi thái ra từng sợi nhỏ, sẵn rau xà lách, cải con, rau húng, rau quế cha tôi trồng bên hông nhà và một ít đậu phụng rang, tép khô để dành trong nhà thế là đã có một thau mì trộn tuy đơn giản, không cầu kỳ nhưng ngon đến đáo để. Bánh tráng nướng giòn bóp vụn cho vào tô mì trộn cứ thế mà ăn cho đến khi no bụng mới thôi. Qua ba hoặc bốn ngày trời nắng ráo liên tục thì công việc tráng bánh mới xong. Bánh tráng sau khi đã phơi khô được bó thành từng ràng, mỗi ràng có 12 cái, sếp thành từng ràng rồi dùng những vật nặng đè lên trên để bánh tráng được thẳng thía, tròn trịa. Nhìn những chồng bánh giăng khắp trên giường, trên nền nhà, cha mẹ tôi rất vui hình như quên đi những ngày vất vả với bao đêm dài thao thức, những buổi sáng sớm mùa đông lạnh lẽo. Niềm vui rạng rỡ hiển hiện trong đôi mắt của mẹ, trên khuôn mặt của cha và chị em tôi khi bắt gặp những giây phút ấy thì lòng mình cũng lâng lâng một niềm vui rất khó tả. Hạnh phúc đôi khi cũng có thể xuất phát từ những điều hết sức giản dị, rất đỗi bình thường trong cuộc sống hằng ngày. là vậy đó!
Mẹ tôi nâng niu, chất từng chồng bánh, chọn lựa những chồng bánh đẹp để riêng khi đưa đi biếu họ hàng, bà con, làng xóm, mỗi nhà một ít để ăn Tết. Món quà quê tuy rất giản dị nhưng ai cũng quý, vì chứa đựng tình cảm mộc mạc, chân thành của những người dân quê chất phác.
Chiều nay, trời đã lất phất cơn mưa rào, những cơn gió bấc thổi về se lạnh. Ừ nhỉ, hôm nay đã là đầu tháng Chạp rồi, tôi vẫn còn cảm thấy nhớ một điều gì đó rất mơ hồ. Bâng khuâng trong ký ức một thời xưa nơi quê nhà… với bao niềm vui và hạnh phúc lẫn lộn, nhớ lại những ngày cùng cha mẹ tôi tráng bánh Tết, nhớ những chồng bánh thẳng tắp để làm quà đã trở thành “thói quen” mỗi khi Tết đến xuân về.
Nhớ vào những ngày giáp Tết, tháng Chạp, khi đất trời bắt đầu đã chuyển mình vào Xuân, ngoài trời những cơn mưa lất phất, gió bấc thổi se se lạnh, mọi người và cả đất trời có cảm giác như không khí “mùa Xuân đã về…”. Cả nhà tôi lại rục rịch chuẩn bị đón Tết, dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, đồ đạc, làm bánh, mứt, dưa hành… và năm nào cũng vậy cứ độ vào đầu tháng Chạp thì mọi người trong nhà lại tất bật chuẩn bị cho công việc tráng bánh tráng hay còn gọi là (bánh đa) để ăn Tết.
Những ngày mưa rồi cũng sớm qua đi, nhường chỗ cho tiết trời những ngày nắng ấm, thời tiết lúc đó rất lý tưởng để tráng bánh Tết. Vài hôm trước ngày chuẩn bị tráng bánh, cả nhà tôi lại háo hức mỗi người một việc cho công tác chuẩn bị. Mẹ tôi thì lo việc chọn gạo, rang mè; cha tôi thì lo sửa sang, lau chùi các mênh (vỉ phơi bánh), chặt tre làm sào, đặt mênh, còn chị em tôi thì cứ lúi húi phụ mẹ lột hành, lột tỏi, giã tiêu, nướng bánh để sáng mai ăn bánh đập… Đêm hôm đó cả nhà tôi đi vào giấc ngủ với bao háo hức, trông chờ, mong sao cho trời thật mau sáng.
Gà gáy canh ba, mẹ tôi đã lục đục trở dậy trong cái lạnh đông sớm mai tê tái da. Cha tôi cũng dậy sớm theo để phụ mẹ xay bột, còn chị em tôi tuy đã thức giấc nhưng vẫn còn vùi đầu trong những chiếc chăn ấm chưa chịu bước ra khỏi giường. Trong lúc cha tôi xay bột bằng chiếc cối xay tay bằng đá thì mẹ lo sửa soạn củi lửa để nhóm lò. Khi mọi công việc đã cơ bản thì mẹ tôi mới gọi chị em tôi dậy. Lúc đó tôi mắt nhắm, mắt mở, lồm cồm bò ra, bỏ mền bước xuống… nhìn ngoài trời sương mù dày đặc, tôi cảm nhận cái lạnh run thấm vào từng thớ thịt nhưng nghĩ đến bếp lửa bập bùng cháy, nồi nước sôi nghi ngút khói và những chiếc bánh ướt nóng hổi, thơm lừng lúc đó lòng mìnhthì cảm thấy phấn chấn, hứng khởi ngay.
Không có gì sung sướng, và ấm áp hơn khi ngồi bên bếp lửa bập bùng cháy rực ánh lửa hồng, mọi cái lạnh lẽo đều đã tan biến dần đi, bên nồi nước đang sôi ùng ục. Mẹ chuẩn bị công việc tráng bánh với những dụng cụ cần thiết, pha bột, nếm bột, cho mè, hành tỏi đã giã nhuyễn cho vào bột… thì cCha tôi thì bắc ghế, kê mênh, còn chị tôi thì phụ mẹ châm nước vào nồi và chuẩn bị phơi bánh, còn tôi thì dành phần ấm áp nhất với công việc lăn xăn với củi lửa… Chờ đến khi trời vừa hửng sáng thì cũng là lúc mà những mẻ bánh đầu tiên “ra lò”. Mẹ dùng chiếc vá múc bột làm bằng gáo dừa, rồi múc từng vá nước gạo trắng tinh, đặc quánh đổ lên quay đều trên mặt vải đã căng trên nồi nước đang sôi ùn ục, rồi úp vung lại… qua vài giây thì bánh chín, khi dở vung ra, nhẹ nhàng dùng chiếc que bằng cật tre vót mỏng để gỡ bánh ra. Từng ngụm hơi nước trong nồi bốc lên hòa quyện với mùi bánh ướt quen thuộc không thể nào quên được. Như thường lệ, những mẻ bánh ướt đầu tiên bao giờ cũng để giành cho cả nhà ăn sáng. Những chiếc bánh ướt thơm lừng mùi gạo mới còn nóng hổi chấm với chén nước mắm ớt cay cay, ăn đến đâu nghe nóng trong người đến đấy. Thú thật, đấy là giây phút mà chị em tôi thường chờ đợi nhất mỗi khi nhà tôi tráng bánh Tết. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi cái cảm giác “nóng đến ngập răng” khi mà chúng tôi hấp tấp ăn những chiếc bánh ướt mới ra lò vẫn còn nóng hổi. Ăn bánh ướt đã chán chê thì sẵn bánh tráng đã nướng sẵn tối hôm trước, chị tôi chập vài cặp để ăn đổi khẩu vị… và quan trọng hơn là ăn cho thật no để còn cầm cự cho đến khi tráng hết nồi nước bột, cả nhà mới được ăn trưa.
Mẹ tôi một tay pha bột, tay múc, tráng bánh nhanh nhẹn nhưng khéo tay. Hết tráng bánh mỏng rồi chuyển sang tráng bánh mè dày, bánh gia vị, bánh tráng cuốn… Chị tôi thì khéo léo gỡ từng chiếc bánh mỏng tan trãi đều trên những mênh tre sao cho lành lặn. Còn cha tôi thì phụ trách khâu “chạy mênh”, cứ mênh nào chị tôi phơi trãi kín thì cha mang đặt lên sào tre giữa khoảng bãi đất trống. Còn tôi thì lo múc nước, đun củi vào lò… Khi ông mặt trời đã lên cao, nắng trãi đều, chan hòa qua từng mênh bánh đã khô phồng. Hai chị em tôi nhẹ nhàng, nâng niu lần gỡ từng chiếc bánh sao cho không vỡ, không nứt. Cứ như thế cho đến khi còn một ít bột trong thau thì mẹ ngừng việc tráng bánh và chuyển sang tráng mì lá để chuẩn bị cho bữa ăn trưa vì lúc này cả nhà đều bận rộn không nấu cơm được. Mì đã tráng xong, thoa một ít dầu phụng đã khử rồi thái ra từng sợi nhỏ, sẵn rau xà lách, cải con, rau húng, rau quế cha tôi trồng bên hông nhà và một ít đậu phụng rang, tép khô để dành trong nhà thế là đã có một thau mì trộn tuy đơn giản, không cầu kỳ nhưng ngon đến đáo để. Bánh tráng nướng giòn bóp vụn cho vào tô mì trộn cứ thế mà ăn cho đến khi no bụng mới thôi. Qua ba hoặc bốn ngày trời nắng ráo liên tục thì công việc tráng bánh mới xong. Bánh tráng sau khi đã phơi khô được bó thành từng ràng, mỗi ràng có 12 cái, sếp thành từng ràng rồi dùng những vật nặng đè lên trên để bánh tráng được thẳng thía, tròn trịa. Nhìn những chồng bánh giăng khắp trên giường, trên nền nhà, cha mẹ tôi rất vui hình như quên đi những ngày vất vả với bao đêm dài thao thức, những buổi sáng sớm mùa đông lạnh lẽo. Niềm vui rạng rỡ hiển hiện trong đôi mắt của mẹ, trên khuôn mặt của cha và chị em tôi khi bắt gặp những giây phút ấy thì lòng mình cũng lâng lâng một niềm vui rất khó tả. Hạnh phúc đôi khi cũng có thể xuất phát từ những điều hết sức giản dị, rất đỗi bình thường trong cuộc sống hằng ngày. là vậy đó!
Mẹ tôi nâng niu, chất từng chồng bánh, chọn lựa những chồng bánh đẹp để riêng khi đưa đi biếu họ hàng, bà con, làng xóm, mỗi nhà một ít để ăn Tết. Món quà quê tuy rất giản dị nhưng ai cũng quý, vì chứa đựng tình cảm mộc mạc, chân thành của những người dân quê chất phác.
Chiều nay, trời đã lất phất cơn mưa rào, những cơn gió bấc thổi về se lạnh. Ừ nhỉ, hôm nay đã là đầu tháng Chạp rồi, tôi vẫn còn cảm thấy nhớ một điều gì đó rất mơ hồ. Bâng khuâng trong ký ức một thời xưa nơi quê nhà… với bao niềm vui và hạnh phúc lẫn lộn, nhớ lại những ngày cùng cha mẹ tôi tráng bánh Tết, nhớ những chồng bánh thẳng tắp để làm quà đã trở thành “thói quen” mỗi khi Tết đến xuân về.