70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Thiên tài quân sự-Đại tướng Võ Nguyên Giáp

0
21



Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị Tổng Tư lệnh xuất chúng, người đã thấm nhuần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, và với tư duy sắc sảo, với bản lĩnh của người cầm quân, đã đưa ra quyết định quan trọng, chuyển từ phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đi tới thắng lợi cuối cùng cũng chính từ bước ngoặt quan trọng này. Tài thao lược quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ
Nhận nhiệm vụ đặc biệt quan trọng
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, trong đó Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất. Thắng lợi của chiến dịch có ý nghĩa và tầm vóc vượt xa các chiến dịch trước về nhiều mặt, càng khẳng định tài thao lược xuất chúng của vị Tổng tư lệnh.
Cuối tháng 12/1953, Bộ Chính trị hạ quyết tâm tiêu diệt cứ điểm của địch ở Tây Bắc. Ngày 1/1/1954, Bộ Chính trị chỉ định cơ quan lãnh đạo chỉ huy chiến dịch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử làm chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ. Kế hoạch điều động tiếp lực lên Tây Bắc được triển khai.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa lần cuối cùng trước khi phát lệnh nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: “Đây sẽ là lần đầu bộ đội ta mở một cuộc tiến công quy mô lớn vào một tập đoàn cứ điểm với một vạn quân. Cán bộ, chiến sĩ ta đã được chuẩn bị đánh tập đoàn cứ điểm… Trận đánh sắp tới sẽ là một thử thách lớn chưa từng có đối với ta trong chiến tranh. Ta đã chọn chiến trường rừng núi là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để tiêu diệt địch. Nhưng Điện Biên Phủ không hoàn toàn là rừng núi. Ở đây có cánh đồng lớn nhất Tây Bắc. Rất nhiều cứ điểm nằm trên cánh đồng. Bộ đội ta sẽ phải tiến hành nhiều trận đánh với quân cơ động có máy bay, xe tăng, đại bác yểm trợ trên địa hình bằng phẳng giống như ở đồng bằng…” (1)
Đến ngày 5/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh lên đường ra mặt trận. Trước khi lên đường ra trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chào Bác Hồ ở Khuổi Tát. Bác hỏi: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không?” (2)  Đại tướng trả lời: “… Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị” (3). Bác động viên: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, “tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” (4). Vị tư lệnh chiến dịch “cảm thấy trách nhiệm lần này rất nặng nề” (5).
Thay đổi phương án tác chiến-Quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời vị chỉ huy
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ và có lẽ trong suốt cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” được coi là quyết định khó khăn nhất – như chính ông cũng từng thừa nhận. Quyết định đó thể hiện tư duy quân sự sắc sảo, bản lĩnh của người cầm quân; nhưng đồng thời cũng là biểu hiện của sự thấm nhuần tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về “đánh chắc thắng”; thể hiện tính nhân văn của một vị tướng “dĩ công vi thượng”, luôn biết đề cao vai trò của tập thể, hết sức tôn trọng ý kiến của tập thể vì lợi ích chung.
Ngày 12/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một số cán bộ đã đến sở chỉ huy mặt trận. Lúc này phía ta và cố vấn đã thống nhất dùng cách đánh nhanh để tiêu diệt địch, bởi “đánh nhanh thắng nhanh, bộ đội đang còn sung sức, sẽ đỡ tổn thất và không phải đối phó với khó khăn rất lớn về đạn dược, lương thực cho hàng vạn chiến sĩ và dân công trong một cuộc chiến đấu dài ngày” (6). Thời gian nổ súng dự định là ngày 20/1/1954.
Sau khi nghe báo cáo tình hình, vị chỉ huy trưởng “cảm thấy chủ chương này không ổn, muốn nghe thêm tình hình”, bởi “bộ đội còn phải mất một thời gian làm đường. Địch còn có điều kiện tăng quân. Ngay bây giờ đánh nhanh thắng nhanh đã khó. Rồi đây hẳn lại càng khó” (7). Tuy vậy, ông vẫn ân cần căn dặn mọi điều để cán bộ biết phương hướng khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ theo phương hướng kế hoạch đã phổ biến. Còn ông xác định cần tiếp tục suy nghĩ để nắm chắc tình hình thực tế hơn nữa và tìm thêm những yếu tố có thể dẫn đến giành thắng lợi bằng cách đánh nhanh hay không.
Điều Đại tướng trăn trở không chỉ vì những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn “chiến dịch này rất quan trọng, chỉ được đánh thắng, không chắc thắng thì không đánh”, mà còn vì trách nhiệm trước xương máu của chiến sĩ. “Trận đánh này ta không được phép thua. Phần lớn tinh hoa của bộ đội chủ lực trong tám năm kháng chiến đều tập trung ở đây. Những vốn liếng vô cùng quý giá, nhưng cũng thực ít ỏi. Từ năm 1950 bắt đầu mở chiến dịch lớn tới mùa xuân này, vẫn là những đơn vị ấy, những con người ấy. Tôi đã thuộc từng trung đoàn, từng tiểu đoàn, từng đại đội chủ công, biết những cán bộ đại đội, trung đội, chiến sĩ đã lập công xuất sắc. Đã thấy rõ mọi người lên đường lần này đều sẵn sàng hy sinh để giành chiến thắng. Nhưng nhiệm vụ của chiến dịch không chỉ là giành chiến thắng, mà còn phải giữ được những vốn quý cho cuộc chiến lâu dài…” (8). Nếu chiến dịch không thắng, các đại đoàn chủ lực bị thương vong lớn thì tiền đồ cuộc kháng chiến sẽ ra sao, vị thế của đoàn ngoại giao ta tại Geneva sẽ thế nào!
Sau đó, vị chỉ huy trưởng đã có nhiều đêm thao thức, suy tính, cân nhắc rất nhiều lần, nhưng “vẫn chỉ tìm thấy rất ít yếu tố thắng lợi”: “Tôi căn dặn các phái viên đi nắm tình hình, thấy bất cứ điều gì đáng chú ý đều phải báo cáo kịp thời. Mọi người đều phản ánh tinh thần chuẩn bị chiến đấu rất cao của cán bộ, chiến sĩ. Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn nói với tôi trong quá trình chiến đấu, sẽ phải đột phá liên tục ba lần mới vào được trung tâm. Nhưng đây chỉ là sự tính toán công việc phải làm. Đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ, đảm nhiệm mũi thọc sâu, hoàn toàn giữ im lặng. Sang ngày thứ chín, hai ngày trước khi nổ súng, đồng chí Phạm Kiệt, Cục phó Cục Bảo vệ, theo dõi việc kéo pháo ở phía Tây, đề nghị gặp tôi qua điện thoại. Anh Kiệt nhận xét: “Pháo của ta đều đặt trên trận địa dã chiến, địa hình rất trống trải, nếu bị phản pháo hoặc máy bay đánh phá sẽ khó tránh tổn thất. Một số pháo vẫn chưa kéo được tới trận địa” (9).
Sau khi lùi thời gian mở màn chiến dịch đến ngày 25/1/1954, rồi lùi thêm một ngày đến 26/1 với lý do khó khăn trong việc kéo pháo vào, chưa đảm bảo sức khoẻ…, sáng ngày 26/1, Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp – đã đưa ra quyết định lịch sử của mình: tạm hoãn cuộc tiến công, kéo pháo ra, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”. Trải qua vài giờ trao đổi, với tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm cao, cuối cùng tập thể Đảng ủy cũng tán thành với sự thay đổi này và nhất trí cho rằng, thay đổi phương châm tác chiến là một quyết tâm rất lớn, là thể hiện cụ thể sự quán triệt tư tưởng chỉ đạo “đánh chắc thắng” của Trung ương.
Có thể thấy, những gì đã diễn ra ở Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa cho thấy, hai yếu tố khiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành công trong việc cùng tập thể đi tới sự đồng thuận về cách đánh chiến dịch trước hết là trách nhiệm chính trị trước Đảng và nhân dân, trước xương máu của chiến sĩ; cùng với đó là phong cách sâu sát thực tế, dùng thực tế mà thuyết phục tập thể tiếp nhận yêu cầu cao nhất, đó là bảo đảm “đánh chắc
Việc thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” được coi là sự kiện kịch tính nhất trong lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, điều mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”. Và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đi tới thắng lợi cuối cùng cũng chính từ bước ngoặt quan trọng này.
“Đánh chắc” và chiến thắng
Triển khai kế hoạch “đánh chắc, tiến chắc”, với lực lượng dân công trên 260.000 người, bằng đủ loại phương tiện chuyên chở và quyết tâm cao hơn núi, ta đã khắc phục được khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được, đảm bảo cung cấp đủ vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men cho 50.000 bộ đội và hàng vạn dân công tại mặt trận, mở hàng chục km đường để đưa pháo vào tận trận địa.
Bước vào trận chiến, với ba đợt tiến công, bộ đội ta đã phá tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt, làm bị thương và bắt sống toàn bộ hơn 16.000 quân địch đồn trú tại đây, đánh bại hình thức phòng ngự cao nhất của thực dân Pháp, đánh sụp ý chí tiếp tục chiến tranh đối phương, buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Geneve ngày 21/7/1954, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Đông Dương.
Trải qua hơn 100 ngày ở mặt trận Điện Biên Phủ, cùng với toàn quân lập nên chiến công lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp không những đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trước toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, mà còn để lại cho cán bộ và chiến sĩ nhiều thế hệ mai sau những bài học sâu sắc về tư duy quân sự, ý chí tiến công và phong cách người làm tướng, trong đó có việc xử lý khéo léo, kiên quyết, chính xác mối quan hệ của người đứng đầu chiến dịch với tập thể lãnh đạo mặt trận để lựa chọn cách đánh hiệu quả nhất cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Theo TTXVN/Báo TIn tức
(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng tập Hồi ký, Nxb QĐND, Hà Nội, 2010, tr.913-914
(2), (3), (4), (5) Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Điện Biên Phủ 50 năm nhìn lại, Nxb QĐND, Hà Nội, 2004, tr.291
(6), (7) Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Điện Biên Phủ 50 năm nhìn lại, sđd, tr.298, 299
(8) Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng tập Hồi ký, sđd, tr.914
(9) Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng tập Hồi ký, sđd, tr.922
Subscribe
Notify of

0 Góp ý
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments