(QBĐT) – Những năm qua, đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới, bước tiến tích cực. Số lượng học viên theo học và tỷ lệ có việc làm sau đào tạo theo chiều hướng gia tăng, các ngành nghề đa dạng và sát thực tiễn, không ít ngành nghề theo diện doanh nghiệp đặt hàng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số khó khăn trong việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề đối với đối tượng đặc thù này.
Em Hồ Thị Kim Hoàn (16 tuổi) ở bản Cổ Tràng, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) hiện đang theo học nghề may tại Trường cao đẳng (CĐ) Nghề Quảng Bình. Được giáo viên chủ nhiệm lớp 9 chia sẻ thông tin và các thầy, cô Trường CĐ Nghề Quảng Bình lên tận trường để truyền thông về đào tạo nghề nên sau khi tốt nghiệp THCS, Kim Hoàn quyết định theo học nghề may với mong muốn trong tương lai sẽ tham gia xuất khẩu lao động chất lượng cao. Em chia sẻ, học ở trường, em được các thầy, cô tạo điều kiện và dành nhiều quan tâm trong việc học tập, sinh hoạt và làm quen bạn bè nên mọi lo lắng, bỡ ngỡ ban đầu đều không còn nữa.
Em Hồ Văn Huyết (18 tuổi) ở bản Hôi Rấy, xã Trường Sơn nung nấu ý định học nghề từ lâu bởi trong bản có hai anh cũng theo học nghề. Hồ Văn Huyết chia sẻ, sau đào tạo nghề, một anh đã đi xuất khẩu lao động, một anh có công việc ổn định ở Đồng Nai. Vì vậy, em quyết tâm chọn nghề hàn để theo học và sẽ tham gia đi xuất khẩu lao động sau khi hoàn thành việc học. Gia đình có 4 anh em, lại thuộc diện hộ nghèo, nên Hồ Văn Huyết kỳ vọng việc có một nghề được đào tạo bài bản sẽ mang lại nhiều cơ hội cho em trong tìm kiếm sinh kế phù hợp, giúp gia đình thoát nghèo.
Theo thầy giáo Dương Vũ Nhật Đồng, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Quảng Bình, số lượng học sinh DTTS theo học tại trường có sự chuyển biến rõ rệt. Nếu năm 2021 chỉ có 9 học sinh tốt nghiệp, thì năm 2022, con số này tăng lên 69 học sinh và năm 2023 là 54 học sinh. Năm học 2023-2024, nhà trường có 73 học sinh DTTS đang theo học. Các nghề được ưa chuộng là chế biến món ăn, hàn, may thời trang, công nghiệp ô tô, điện công nghiệp… Tỷ lệ học sinh sau đào tạo tìm được việc làm tăng cao, trong đó, nghề hàn đạt 70%, nghề may đạt 80%, nghề máy công trình đạt 70%…
Bên cạnh triển khai các quy định liên quan đến đào tạo nghề cho thanh niên DTTS, như: Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh… Trường CĐ Nghề Quảng Bình hiện triển khai 2 chính sách “riêng” là hỗ trợ chỗ ở miễn phí tại ký túc xá và học phí học văn hóa đối với những em vừa học nghề, vừa học văn hóa. Trường cũng bố trí xe đưa đón các em về địa phương trong những đợt nghỉ; đồng thời, tích cực đổi mới công tác tuyển sinh với việc thường xuyên về các địa phương để truyền thông giới thiệu ngành nghề đào tạo và phối hợp chặt chẽ với các trường, qua đó có giải pháp tư vấn hướng nghiệp kịp thời, hiệu quả.
Thầy giáo Dương Vũ Nhật Đồng chia sẻ thêm, một trong những khó khăn đối với các em DTTS trong học nghề chính là vướng giữa độ tuổi học văn hóa và học nghề. Bởi học nghề chỉ trong 2 năm, nhưng học văn hóa phải thêm 1 năm nữa các em mới tốt nghiệp. Thời gian tới, bên cạnh những chính sách hiện có, nhà trường đề xuất miễn học phí cho cả hệ cao đẳng (hiện nay chỉ hỗ trợ hệ trung cấp).
Cùng với đó, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu có chính sách đối với đồng bào DTTS không phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm có hỗ trợ cho con em đồng bào được đi học nghề (chính sách nội trú theo Quyết định số 53 chỉ hỗ trợ cho đồng bào DTTS là hộ nghèo, hộ cận nghèo). Đặc biệt, công tác phân luồng học nghề từ cấp THCS cần được thực hiện hiệu quả hơn.
Subscribe
Login
0 Góp ý
Oldest