Quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”

0
30



Khi đề cập đến những nhiệm vụ trong giai đoạn sắp tới, trong phần thứ ba của bài viết Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Ðảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trong mọi công việc của Ðảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Ðảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, do nhân dân và vì nhân dân. Những thắng lợi vẻ vang của Ðảng cũng chính là thắng lợi của lòng dân, của sức dân, của sức mạnh đoàn kết toàn dân. Ðảng không xác định cho mình một khu vực quyền lợi riêng mà mọi hành động của Ðảng đều tuân theo và nhằm thực hiện những ý nguyện của toàn dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ điều này: “Ðảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”.
Quan điểm “dân là gốc”, là chủ thể của công cuộc đổi mới đã được Ðảng nhận thức và thực hiện ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn. Mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng với nhân dân được quan tâm củng cố, tăng cường. Luận điểm này được kế thừa từ triết lý nhân sinh phương Ðông: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh; Dân như nước, đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân; Nước lấy dân làm gốc… Luận điểm này cũng xuất phát từ quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về vị trí và vai trò của quần chúng trong lịch sử và cách mạng: Quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử; Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân tại lễ hội đền hùng
Trong thời kỳ đổi mới, Việt Nam là một nước nghèo, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nhờ thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, nền kinh tế bắt đầu phát triển, cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân. Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 (khoảng 7.500 USD/người/năm). Từ một nước luôn trong tình trạng thiếu lương thực, đến nay Việt Nam đã bảo đảm tốt an ninh lương thực cho mình và trở thành một nước xuất khẩu gạo cùng nhiều nông sản khác trong nhóm dẫn đầu thế giới. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện gắn với sự chăm lo đầu tư phát triển các ngành y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm gần 3 lần trong những thập niên gần đây. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi (năm 1990) lên 73,7 tuổi (năm 2023). Ðời sống văn hóa cũng được cải thiện đáng kể. “Ðất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, chúng ta cần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng với nhân dân, phát huy vai trò và sự tham gia của nhân dân, tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế “Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” để nhân dân thực sự làm chủ và giữ vai trò chủ thể, vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước. Khi mọi chủ trương, chính sách của Ðảng xuất phát từ thực tiễn cuộc sống và nhằm mục tiêu phấn đấu cuối cùng là hạnh phúc, ấm no của nhân dân sẽ thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng với dân, củng cố và tăng cường niềm tin của dân đối với Ðảng. Khi ý Ðảng-lòng dân là thống nhất sẽ tạo thành sức mạnh, dù khó khăn đến đâu chúng ta cũng có thể vượt qua. Ðó là bài học kinh nghiệm quý báu đã được rút ra từ lịch sử thực tiễn cách mạng dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam trong 94 năm qua đang cần chúng ta tiếp tục thực hiện tốt.
Subscribe
Notify of

0 Góp ý
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments