Trong tháng 4/2024, một số chính sách mới sẽ có hiệu lực như: Quy định mới về tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ…
Quy định mới về tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Ngày 23/2/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 21/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Nghị định sửa quy định về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương đối với người lao động. Theo đó, Nghị định sửa đổi Điều 4 Nghị định số 51/2016/NĐ-CP về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Cụ thể, căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương làm cơ sở để xếp lương, trả lương và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định, nhưng phải bảo đảm quỹ tiền lương tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động theo quy định.
Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến và công khai tại công ty trước khi thực hiện.
Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định số 51/2016/NĐ-CP về xác định quỹ tiền lương kế hoạch. Ngoài ra, Nghị định số 21/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2016/NĐ-CP quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Nghị định số 21/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/4/2024.
Quy định chi tiết trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2024/NĐ-CP quy định chi tiết trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” và việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến. Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 20/4 tới.
Nghị định 28 quy định chi tiết trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cho đối tượng là Thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi trong quá trình nghiên cứu, triển khai thực hiện trong thực tiễn. Thanh niên xung phong được nhận Huy chương, Bằng Huy chương và tiếp tục hưởng các quyền lợi theo quy định của khen thưởng kháng chiến.
Ông Phạm Huy Giang, Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ) cho biết để pháp luật về thi đua, khen thưởng có thể triển khai thi hành ngay khi Luật Thi đua, Khen thưởng có hiệu lực (ngày 1/1/2024), việc xây dựng và ban hành nghị định quy định chi tiết trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” và việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến là cần thiết và phù hợp với các quy định của pháp luật.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, lực lượng Thanh niên xung phong đã phục vụ trực tiếp trên các chiến trường, các địa bàn khó khăn, gian khổ, vùng có chiến sự ác liệt để làm các nhiệm vụ mở đường, đảm bảo giao thông, phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu, tháo gỡ bom, mìn; cõng thương binh, tử sỹ, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thu dọn chiến trường, tham gia làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào, Campuchia và tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam.
Theo báo cáo của Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, đến nay, số lượng Thanh niên xung phong tham gia các thời kỳ kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc đã xác nhận được khoảng 420.000 người (bao gồm cả liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc hóa học).
Điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ
Nghị định số 18/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.
Nghị định quy định điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ. Đối với tác giả: Trực tiếp sáng tạo, đóng góp vào giá trị khoa học và công nghệ của công trình; không vi phạm quy định tại Điều 8 Luật Khoa học và công nghệ và đáp ứng điều kiện sau:
Đối với người Việt Nam: Chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
Đối với người nước ngoài: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, pháp luật và phong tục, tập quán tốt đẹp của Việt Nam.
Đối với công trình: Hồ sơ hợp lệ, được công bố theo quy định (trừ các công trình có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước), hoặc được ứng dụng tại Việt Nam;
Thời gian công trình được công bố hoặc ứng dụng trong thực tiễn ít nhất là 3 năm hoặc công trình được ứng dụng đổi mới sáng tạo có hiệu quả ít nhất 1 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.
Nghị định số 18/2024/NĐ-CP cũng quy định cụ thể tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đối với công trình nghiên cứu khoa học, công trình nghiên cứu phát triển công nghệ, công trình ứng dụng công nghệ; cũng như Giải thưởng Nhà nước đối với ông trình nghiên cứu phát triển công nghệ, công trình ứng dụng công nghệ.
Nghị định số 18/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/4/2024.
Sửa quy định cơ quan đăng ký phương tiện phục vụ vui chơi giải trí dưới nước
Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 05/6/2019 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước.
Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 19 cơ quan đăng ký phương tiện.
Cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp huyện (quy định cũ UBND cấp tỉnh) tổ chức thực hiện, quản lý việc đăng ký, quản lý phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước thuộc diện phải đăng ký theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện quản lý phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước được miễn đăng ký.
Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung Điều 11 thẩm quyền thỏa thuận, công bố mở, đóng vùng hoạt động tại vùng 2.
Theo đó, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (Ủy ban nhân dân cấp huyện) (quy định cũ UBND cấp tỉnh) thực hiện thỏa thuận, công bố mở, đóng vùng hoạt động tại vùng 2.
Trước khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng, chủ đầu tư liên hệ Ủy ban nhân dân cấp huyện để thực hiện thỏa thuận về địa điểm, quy mô, biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, cứu hộ, cứu nạn và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường. Việc đầu tư dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng.
Nghị định số 19/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/4/2024.
Theo TTXVN/Báo Tin tức
Subscribe
Login
0 Góp ý
Oldest