Hết mình vì sự nghiệp quốc tế cao cả

0
23



(QBĐT) – Với xã hội, ông Đặng Xuân Huề, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu (XNK) Quảng Bình là doanh nhân thành đạt nhưng luôn tận tâm với những hoạt động từ thiện, sẵn sàng giúp đỡ những số phận nghèo khó.
Cởi bỏ chiếc áo bận rộn chốn thương trường, ông là người đồng đội son sắt, hết lòng vì những người đồng chí từng vào sinh, ra tử nơi chiến trường Campuchia ác liệt. Là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia tỉnh Quảng Bình, ông sẵn sàng bỏ gần 1,4 tỷ đồng tiền túi để chăm chút cho mọi hoạt động của hội, làm tất cả mà không đòi hỏi sự đáp lại, chỉ mong “những đồng chí, đồng đội được ấm lòng sau những ngày tháng gian khổ, cam go”.
– Thưa ông, vì sao chúng ta có ý tưởng thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia tỉnh Quảng Bình ạ?
– Có lẽ chúng ta phải ngược về quá khứ một chút. Đó là ngày 7/9/1979, với sự hỗ trợ của quân tình nguyện Việt Nam, đất nước Campuchia được giải phóng khỏi nạn diệt chủng Pôn Pốt-Iêng Xari. Vì nghĩa vụ quốc tế, Việt Nam chúng ta lại bắt đầu giúp nước bạn bước đầu xây dựng lại đất nước. Toàn tỉnh Quảng Bình có gần 3.500 quân tình nguyện, 193 chuyên gia đã vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ để sang giúp đỡ xây dựng đất nước bạn từ hai bàn tay trắng.

Trên mọi miền đất nước Campuchia, quân tình nguyện và chuyên gia Quảng Bình đã hòa mình, gắn bó giúp nhân dân Campuchia anh em thực hiện một cuộc hồi sinh dân tộc vĩ đại. Hơn 10 năm ở lại giúp bạn, hơn 750 cán bộ, chiến sĩ và chuyên gia Quảng Bình đã hy sinh xương máu cho sự hồi sinh của đất nước chùa tháp. Nhiều người trong số họ vẫn nằm lại đâu đó trên đất nước bạn xa xôi.

Từ ý nghĩa đó, việc thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Biết tôi có thời gian gắn bó với chiến trường Campuchia nên Thường trực Tỉnh ủy đã nhiều lần gọi lên để bàn việc thành lập hội tại Quảng Bình và giao trách nhiệm chủ tịch hội cho tôi. Mặc dù rất bận rộn nhưng khi nghĩ đến những người đồng chí, đồng đội của mình nơi chiến trường ngày ấy, tôi quyết định nhận lời. Vậy là ngày 26/4/2017, Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia tỉnh Quảng Bình ra đời.
Chúng tôi mong muốn sẽ bắc một nhịp cầu vững chãi để nối đôi bờ quan hệ tình cảm ngoại giao nhân dân của hai dân tộc Việt Nam-Campuchia. Từ đó, góp phần tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia ngày càng tốt đẹp.
– Ông vừa nhắc lại những năm tháng tham gia nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Quãng thời gian đó, kỷ niệm nào để lại ấn tượng nhiều nhất trong ông?
– Tôi nhớ mãi lần đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến đất nước Campuchia. Khi xe dừng lại để mọi người xuống phà, nhân dân đã đứng đợi sẵn đón chúng tôi. Họ vui sướng, hân hoan như đón người thân lâu ngày trở về. Gần 10 năm sau, khi hoàn thành nhiệm vụ, rút quân trở về nước, tình cảm ấy lại càng thêm bịn rịn. Người dân Campuchia đứng hai bên đường, cờ hoa rực rỡ. Nhiều người trong số họ và cả chúng tôi đã khóc vì những năm tháng gian khó bên nhau đã để lại những tình cảm yêu thương đặc biệt.
– So với những hội hữu nghị khác, Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia có gì đặc biệt, thưa ông?
– Tôi khẳng định, Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia là hội đặc biệt, là hội “xương máu”. Nói về quốc gia, Việt Nam-Campuchia là hai nước chung đường biên giới, cùng khối ASEAN và luôn giúp đỡ nhau cả khi chiến tranh hay trong hòa bình. Hội có một lợi thế cơ bản là hội viên phần lớn đều là lực lượng vũ trang và chuyên gia của các ngành, các cấp. Nếu được Đảng và Nhà nước, cấp ngành, địa phương quan tâm hơn nữa thì hội sẽ có những bước phát triển, đóng góp to lớn vào quá trình ngoại giao nhân dân, vun đắp mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.
– Những năm tháng chiến đấu ác liệt tại nước bạn Campuchia, những người lính quân tình nguyện Việt Nam đã dám chịu đựng gian khổ, hy sinh vì đồng chí, đồng đội. Vậy thì… trong thời bình, chúng ta đã làm gì để phát huy tinh thần tốt đẹp đó?
– Trở về từ Campuchia, đến nay, phần lớn anh em đều có đời sống khó khăn, tuổi cao, sức yếu. Khi chúng tôi thành lập nên một Ban Chấp hành với 13 người, ai cũng có tâm huyết để xây dựng hội thực sự trở thành chỗ dựa tinh thần vững chãi của mỗi hội viên.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, chúng tôi đã tự nguyện bỏ kinh phí để duy trì, đẩy mạnh các hoạt động thăm nom khi hội viên đau ốm hoặc qua đời; hỗ trợ các gia đình Việt kiều bị hỏa hoạn tại Campuchia; hỗ trợ gia đình các liệt sỹ, kết nối tìm lại thân nhân.
Khi nghĩ về những tình cảm, đóng góp to lớn của những người đồng chí, đồng đội của mình, chúng tôi luôn tâm niệm mình phải có trách nhiệm để sẻ chia, đồng hành, giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Đó cũng là cách để tri ân những đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường ác liệt.
– Riêng tư một chút ạ, thời điểm ông đảm nhận vị trí Tổng giám đốc của Công ty XNK Quảng Bình là giai đoạn cực kỳ khó khăn. Tuy vậy, đến nay, công ty đã đạt được những thành công đáng tự hào khi luôn trong top 10 doanh nghiệp đóng ngân sách cao nhất tỉnh. Ông có nghĩ rằng, ý chí, quyết tâm vượt qua khó khăn có được là nhờ được hun đúc, rèn giũa từ những năm tháng gian khó công tác tại nước bạn Campuchia?
– Nhắc lại giai đoạn đó, tôi vẫn cảm thấy day dứt. Tại thời điểm thực hiện cổ phần hóa, chuyển đổi từ mô hình bao cấp không có hiệu quả sang mô hình sản xuất, kinh doanh theo nền kinh tế thị trường (cương vị của tôi lúc đó là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty), thì Công ty XNK Quảng Bình đang ngắc ngoải hoàn toàn, đi dần vào chỗ chết. 48 tỷ đồng là số nợ khổng lồ thời kỳ đó.
Khi mà Ban giám đốc công ty đều ra đi, tôi vẫn quyết định ở lại đương đầu với sóng gió. Ba năm đầu cực kỳ gian nan. Tôi bỏ ra gần 10 tỷ đồng của gia đình để cứu vớt công ty qua thời kỳ khó khăn, trả lương cho anh em và duy trì hoạt động. Từ chỗ mang số nợ 48 tỷ nhưng đến thời điểm hiện tại, như bạn nói, chúng tôi tự hào là đơn vị thuộc top 10 doanh nghiệp đóng ngân sách cao nhất tỉnh; lương bình quân của cán bộ, nhân viên là 17 triệu đồng/người/tháng.
Gần 10 năm tại Campuchia là khoảng thời gian quý giá, tôi luyện cho người chiến sĩ sự trưởng thành rất lớn. Chúng tôi đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, bồi dưỡng, giáo dục, rèn giũa. Đó là cẩm nang để khi chúng tôi bước ra trường đời tự tin, vững vàng hơn. Đó là tư duy mạnh dạn, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không sợ va vấp, không sợ thất bại. Không chỉ riêng tôi mà các đồng chí từng là chuyên gia công tác tại chiến trường khốc liệt Campuchia cũng được tôi luyện nên ý chí vượt qua gian truân như thế.
– Vì sao ông luôn kêu gọi các doanh nghiệp đề cao hơn nữa trách nhiệm với xã hội, coi đó là nghĩa cử cao đẹp trong hoạt động kinh doanh? Và thực tế, Công ty CP XNK Quảng Bình đã làm gì để thực hiện tốt trách nhiệm đó?
– Đóng góp xây dựng quê hương, quan tâm đời sống của bà con khó khăn, đó là những việc tôi không làm thì cũng chẳng ai trách móc nhưng tôi vẫn quyết tâm làm trong rất nhiều năm qua. Làm từ thiện trước hết đòi hỏi phải có cái tâm.
Bản thân tôi là người có 10 năm tôi luyện trên chiến trường Campuchia, sinh ra trong một gia đình có giáo dục, có truyền thống cách mạng. Dù rất nghèo nhưng khi mất đi, cha mẹ đã để lại cho anh em tôi một tài sản vô cùng to lớn, đó không phải là tiền mà là trí tuệ, nhân cách và tình cảm, đạo đức làm người. Cha mẹ đã dạy chúng tôi phải biết nhìn xuống để thấy còn nhiều người khó khăn để giúp đỡ họ trong điều kiện, khả năng của mình. Tôi luôn coi lời dạy đó là “kim chỉ nam” để sống và nỗ lực.
Mảnh đất Châu Hóa (Tuyên Hóa) quê tôi gian khổ, đầy nắng và gió cũng đã hun đúc nên trong tôi tinh thần, ý chí tự lực, tự cường. Khi đã có những thành công, tôi tự thấy mình cần phải có trách nhiệm nhìn lại, mở rộng cánh tay để giúp đỡ những mảnh đời khốn khó. Công ty CP XNK Quảng Bình là doanh nghiệp tiên phong trong hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19, luôn đóng góp các hoạt động từ thiện nhân đạo, hỗ trợ đời sống bà con ở những địa bàn công ty khai thác mỏ. Chúng tôi sẽ luôn kiên định với mục tiêu, con đường đã chọn đó.
– Và tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động của Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia như trước nay ông vẫn làm? Gia đình có đồng cảm với ông về chuyện “vác tù và hàng tổng” không?
– Đúng vậy! Tôi luôn nỗ lực để vừa hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của một doanh nghiệp, đồng thời dành thời gian để chăm lo, xây dựng hội, bảo đảm cho hội tiếp tục tồn tại, đứng vững và phát triển, xứng đáng với niềm tin yêu của đồng chí, đồng đội, cũng như một lời tri ân với hơn 750 liệt sỹ Quảng Bình đã hy sinh anh dũng trên mảnh đất chùa tháp.
Còn về gia đình, người thân, rất hạnh phúc là tôi được họ hết sức chia sẻ, đồng hành trong mọi việc, nhất là khi đơn vị gặp khó khăn hay những lúc bản thân và gia đình bị hiểu nhầm, đồn thổi vô căn cứ, thiếu tính xây dựng…
– Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này! Chúc Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia tỉnh Quảng Bình ngày càng phát triển!
Diệu Hương (thực hiện)

 

Subscribe
Notify of

0 Góp ý
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments