Quyết liệt phòng, chống mua bán người

0
20



(QBĐT) – Năm 2023, các lực lượng chức năng chưa phát hiện, tiếp nhận, giải quyết những vụ, việc thuộc lĩnh vực phòng, chống mua bán người (PCMBN). Tuy nhiên, đối với hành vi liên quan, cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đã thụ lý 3 vụ án (4 đối tượng) về “chứa mại dâm”; 2 vụ án (6 đối tượng) về tội danh “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”, “tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài” và “tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại”. Dự báo tình hình tội phạm về MBN thời gian tới sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCMBN.
Công tác phòng ngừa xã hội làm chính
Thực tế cho thấy, năm 2023, mặc dù các lực lượng chức năng chưa phát hiện, tiếp nhận, giải quyết các vụ, việc liên quan đến hoạt động MBN nhưng vẫn còn tồn tại tình trạng xuất nhập cảnh trái phép; nghi bị lừa đảo, cưỡng bức lao động, tham gia các cơ sở lừa đảo ở nước ngoài; lao động di cư trái phép đi làm thuê tại các cơ sở dịch vụ lưu trú, quán karaoke, massage trong và ngoài tỉnh…

Nguyên nhân của tình trạng trên do đường xuất cảnh chính ngạch chi phí vẫn còn cao, số lượng tuyển dụng giới hạn, đòi hỏi trình độ, chuyên môn, ngoại ngữ, trong lúc đó trình độ dân trí người lao động còn thấp. Mặt khác, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nhất là pháp luật liên quan đến PCMBN rất hạn chế nên dễ trở thành nạn nhân của tội phạm MBN.

Đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở luôn được tập huấn nghiệp vụ, trong đó có nội dung liên quan đến pháp luật phòng, chống mua bán người.
Với phương châm “lấy phòng ngừa xã hội làm chính”, trong đó tập trung chủ yếu vào công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), trong năm 2023, các sở, ban, ngành liên quan, cơ quan, đơn vị, địa phương và cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc, trong đó chú trọng ở tuyến biên giới đất liền, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đó, Công an tỉnh tổ chức 90 hội nghị tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng chống, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật về MBN cho trên 12.800 lượt người dân. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh thực hiện 5 buổi tuyên truyền giúp hơn 1.100 lượt đồng bào ở hai tuyến biên giới hiểu biết về Luật PCMBN, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm MBN…
Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh (Sở Văn hóa-Thể thao) chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở, các cụm cổ động, hệ thống panô, áp phích…; đồng thời tổ chức 600 buổi chiếu phim cho 60.000 lượt người xem tại 64 xã miền núi và lồng ghép 45 buổi tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, PCMBN, Luật PCMBN…
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam thực hiện truyền thông, đối thoại cộng đồng về di cư an toàn, PCMBN cho 220 cán bộ, hội viên; tổ chức 211 hội nghị tuyên truyền, PBGDPL giúp cán bộ, hội viên tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật, tích cực tham gia đấu tranh phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật, nâng cao ý thức về phòng, chống tệ nạn xã hội. Các cấp Hội PN duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động các câu lạc bộ: “PN với pháp luật”, “Vùng giáo an toàn”, “Phòng, chống buôn bán PN, trẻ em”. Đặc biệt, thông qua 1.321 tuyên truyền viên pháp luật là hội viên PN các cấp, công tác PBGDPL có sức lan tỏa đến nhiều đối tượng, ưu tiên PN và trẻ em.
Công tác phòng ngừa nghiệp vụ làm biện pháp răn đe
Lấy công tác phòng ngừa xã hội làm chính nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong PCMBN. Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa nghiệp vụ trở thành biện pháp răn đe, giáo dục hiệu quả các loại tội phạm liên quan đến MBN.
Đại tá Trần Quang Hiếu, Phó Giám đốc Công an tỉnh tại hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh nhấn mạnh: Mặc dù thời gian qua, lực lượng chức năng chưa phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc liên quan đến lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm MBN nhưng các lực lượng chức năng, trong đó Công an, BĐBP giữ vai trò nòng cốt phải triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, diễn biến hoạt động của tội phạm MBN, dự báo xu hướng phát triển của loại tội phạm này để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Theo đại tá Trần Quang Hiếu, các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ chú trọng vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin về tội phạm MBN nói chung và MBN nội địa nói riêng giữa các cấp, các lực lượng; rà soát nạn nhân nghi bị buôn bán; PN, trẻ em bị bạo lực, bạo hành; các đối tượng nghi vấn… để sớm có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh. Điều tra, rà soát các tuyến, địa bàn, đối tượng, băng nhóm giúp tập trung phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả. BĐBP, Hải quan, Công an làm tốt công tác quản lý, kiểm soát khu vực biên giới, cửa khẩu, “đường mòn, lối mở”, ngăn chặn kịp thời các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Cùng đó, tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các trung tâm trá hình về môi giới xuất khẩu lao động, du lịch, hôn nhân với người nước ngoài… có dấu hiệu lừa đảo, đưa PN, trẻ em ra nước ngoài; quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, kinh doanh có điều kiện nhằm chủ động ngăn chặn tệ nạn xã hội và tội phạm lợi dụng bắt cóc, cưỡng ép, mua bán PN, trẻ em; rà soát, lập danh sách các đối tượng từ nước ngoài trở về địa phương, số PN, trẻ em vắng mặt lâu ngày không rõ lý do nghi ngờ bị mua bán để xây dựng kế hoạch điều tra, xác minh, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật
thị hòe biên tập
Hồ An
Subscribe
Notify of

0 Góp ý
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments