Công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội

0
18



(QBĐT) – Năm 2023, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh xác định 8 địa phương là địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) để thực hiện công tác chuyển hóa. Cùng với 4 địa phương đạt chuyển hóa năm 2022, đến nay, toàn tỉnh có 12 xã, phường, thị trấn triển khai công tác chuyển hóa. Sau chuyển hóa, tình hình an ninh, chính trị, TTATXH ở cơ sở giữ vững, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội (TNXH) giảm mạnh.
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hồ Tân Cảnh cho biết: Địa phương được chọn thực hiện công tác chuyển hóa đều là trọng điểm phức tạp về TTATXH, căn cứ vào những tiêu chí, như: Địa bàn có số vụ vi phạm hình sự, vi phạm pháp luật, TNXH chiếm tỷ lệ cao; địa bàn tập trung nhiều đối tượng chấp hành xong án phạt tù trở về, đối tượng có điều kiện, khả năng, nguy cơ phạm tội cao; địa bàn phức tạp về tệ nạn ma túy (TNMT); địa bàn biên giới; địa bàn tập trung đông dân cư, nhiều hoạt động của các cơ sở, ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà các loại đối tượng thường lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật…

Lực lượng Công an huyện Quảng Ninh vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ công cụ hỗ trợ, pháo nổ góp phần bảo vệ sự bình yên cho nhân dân.
Năm 2022, 4 xã đạt chuyển hóa, gồm: Xuân Trạch (Bố Trạch), Quảng Châu (Quảng Trạch), Thanh Hóa (Tuyên Hóa), Hồng Hóa (Minh Hóa). Năm 2023, 8 địa phương chọn thực hiện chuyển hóa có: Thị trấn Kiến Giang (Lệ Thủy), xã Hàm Ninh (Quảng Ninh), phường Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới), xã Hưng Trạch (Bố Trạch), xã Quảng Kim (Quảng Trạch), xã Quảng Hòa (TX. Ba Đồn), xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa) và xã Hóa Tiến (Minh Hóa).
Tại các địa bàn trọng điểm thực hiện chuyển hóa, trong năm 2023, các lực lượng phối hợp thực hiện trên 1.000 ca tuần tra, kiểm soát; tổ chức 176 buổi tuyên truyền, hội nghị chuyên đề lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho trên 28.334 lượt người; cấp phát 10.300 tờ rơi; in, treo 64 băng rôn tuyên truyền phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật.
Lực lượng Công an đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, hướng dẫn các khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký phấn đấu đạt chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”. Ủy ban MTTQVN và các tổ chức thành viên phối hợp thực hiện hiệu quả các nghị quyết liên tịch, chương trình phối hợp về phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự; vận động nhân dân tích cực, chủ động tham gia phòng, chống tội phạm và thực hiện các phong trào ở cơ sở; tổ chức ký cam kết đến từng hộ gia đình về phòng, chống tội phạm và TNXH.

Quá trình triển khai công tác chuyển hóa, tình hình an ninh, trật tự, các loại tội phạm, TNXH tại các địa bàn chuyển hóa giảm thiểu rõ rệt. Cụ thể, các địa bàn chuyển hóa chỉ xảy ra 16 vụ (27 đối tượng) phạm tội về TTATXH (giảm 26 vụ so với năm 2022); 19 vụ (22 đối tượng) phạm tội về ma túy; 3 vụ (3 đối tượng) vi phạm pháp luật về kinh tế và 3 vụ (3 đối tượng) vi phạm pháp luật về môi trường.

Kết quả, 8 địa bàn lựa chọn đều thực hiện đạt những yêu cầu về công tác chuyển hóa, trong đó: 7/8 địa bàn giảm về phạm pháp hình sự (gồm 5 địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH và TNXH: Thị trấn Kiến Giang giảm 8 vụ, xã Hàm Ninh giảm 4 vụ, xã Hưng Trạch giảm 7 vụ, xã Quảng Kim giảm 2 vụ và xã Thạch Hóa giảm 1 vụ); 6/8 địa bàn giảm về tội phạm và TNMT (gồm 3 địa bàn trọng điểm, phức tạp: Phường Bắc Nghĩa giảm 5 vụ, xã Quảng Hòa giảm 6 vụ, xã Hóa Tiến giảm 1 vụ), các xã Quảng Kim, Thạch Hóa không có tội phạm và TNMT.
Góp phần vào sự thành công của công tác chuyển hóa là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật được đặt lên hàng đầu. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở các địa bàn chuyển hóa chuyển biến tích cực với sự xuất hiện nhiều mô hình, điển hình, nhân tố mới trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Hồ An
Subscribe
Notify of

0 Góp ý
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments